Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

BIẾN CHỨNG THẦN KINH DO BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Người bệnh tiểu đường gặp phải biến chứng thần kinh, do đường huyết tăng cao làm tổn thương các mạch máu thần kinh, gây ra biến tim mạch, biến chứng bàn chân.Đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến biến chứng mạch máu nhỏ, gây tổn thương mắt, thận và thần kinh.
Tổn thương thần kinh do đái tháo đường có thể xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1 sau 5 năm hoặc ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 ngay thời điểm mới chẩn đoán. Tuổi càng lớn, thời gian mắc bệnh càng lâu thì càng tăng nguy cơ biến chứng thần kinh.

đái tháo đường, bệnh tiểu đường
(ảnh minh họa)

Hệ thần kinh được chia ra bốn loại :

-Hệ thần kinh trung ương gồm: não và tủy sống.
-Hệ thần kinh sọ gồm: các sợi thần kinh đến mắt, miệng, tai, và các phần khác của đầu.
-Hệ thần kinh tự động gồm: các dây thần kinh đến phổi,tim, dạ dày, ruột, bàng quang, cơ quan sinh sản.
-Hệ thần kinh ngoại biên gồm: các dây thần kinh đến tay, bàn tay, chân và bàn chân.
Đái tháo đường có thể gây tổn thương thần kinh, làm tín hiệu bị sai lệch hoặc tín hiệu chậm.

Nguyên nhân bệnh thần kinh do đái tháo đường

Biến chứng thần kinh do nhiều yếu tố kết hợp, chủ yếu do đường huyết tăng cao.
-Chuyển hóa: Đái tháo đường lâu năm, đường huyết cao, mỡ máu cao, insulin thấp.
-Mạch máu thần kinh: Gây tổn thương mạch máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho thần kinh.
-Tự miễn: Viêm dây thần kinh.
-Cơ học: Hội chứng ống cổ tay.
-Di truyền.
-Lối sống: rượu, thuốc lá.

Tổn thương thần kinh ngoại biên

Tay chân được chi phối bởi thần kinh ngoại biên bắt nguồn từ tủy sống. Xuất hiện những triệu chứng khi bị tổn thương như: cảm giác châm chích, nóng rát, tê bì, đau dữ dội, hoặc mất cảm giác với các kích thích đau, nóng, lạnh. Các triệu chứng này có thể xảy ra ở hai bên đối xứng hoặc chỉ một bên.
Trường hợp nặng dễ dẫn đến biến chứng bàn chân. Người bệnh cần mang các loại giày phù hợp để bảo vệ bàn chân.
Cảm giác tay tê, đau, teo cơ  do thần kinh vùng cổ tay bị chèn ép.

Tổn thương thần kinh tự động

-Tiêu hóa: làm cho thức ăn qua ống tiêu hóa quá nhanh hoặc quá chậm. Gây ra cảm giác đầy hơi, khó tiêu…hoặc tiêu chảy. Liệt cơ dạ dày do tổn thương dây thần kinh chi phối, làm ứ đọng thức ăn lâu trong dạ dày, gây khó khăn kiểm soát đường huyết.
-Tim mạch: làm tim đập nhanh hơn bình thường, sự điều chỉnh huyết áp của cơ thể theo tư thế không còn nhanh và chính xác, dẫn đến người bệnh thấy xây xẩm, chóng mặt, có thể gây té ngã.
-Bàng quang: có hai nhóm triệu chứng. Bàng quang phản ứng quá mức làm tiểu gấp, thường xuyên đi tiểu, tiểu không tự chủ... Bàng quang thần kinh gây tiểu khó hoặc bí tiểu.
-Cơ quan sinh sản: ở nam gây rối loạn cương, bất lực. Ở nữ giới giảm cảm giác, giảm ham muốn, khô âm đạo.
Tổn thương thần kinh sọ não

-Cơ mắt: thường xảy ra đột ngột, ở một bên, tồn tại trong khoảng thời gian ngắn.
-Cơ mặt: gây chảy xệ một bên mặt, mí mắt, môi… thường xảy ra đột ngột.

Làm sao biết tổn thương thần kinh đái tháo đường?

Nếu người bệnh phát hiện mình bị các triệu chứng như vừa kể ở trên thì nên thông báo cho bác sỹ biết. Các bác sỹ dựa vào: hỏi bệnh; khám bệnh kiểm tra nhịp tim, đo huyết áp tư thế, kiểm tra hệ thần kinh; làm xét nghiệm như đo điện cơ, siêu âm bàng quang… để xác định người đái tháo đường có bị biến chứng thần kinh hay chưa,

Điều trị biến chứng thần kinh do đái tháo đường

-Biện pháp hàng đầu là kiểm soát đường huyết cho thật tốt.
-Xác định nhóm thần kinh nào bị tổn thương để có phương pháp điều trị thích hợp.
-Tiêu hóa: dùng thuốc chống nôn, tiêu chảy...
-Bàng quang: tập bàng quang, dùng thuốc tăng sức co bóp bàng quang.
-Hạ huyết áp tư thế: nằm đầu cao,thuốc tăng tuần hoàn não...
-Chăm sóc bàn chân phòng tránh các tổn thương.

Phòng ngừa biến chứng thần kinh do đái tháo đường

Để phòng ngừa biến chứng thần kinh nói riêng và biến chứng đái tháo đường nói chung, người bệnh cần tuân thủ điều trị nhằm đạt được mục tiêu điều trị. Đó là:
Đường huyết mao mạch: khi đói 80­ 120 mg%, sau ăn 2 giờ < 180 mg%.
Lượng huyết sắc tố HbA1C < 7%.
Huyết áp < 130/80 mmHg.
Lượng mỡ trong máu ổn định: LDL­c < 100mg%, Triglyceride < 150mg%.
Giữ được cân nặng bình thường và không bị hạ đường huyết.
Để đạt được mục tiêu trên, hàng ngày người bệnh cần làm theo hướng dẫn sau:
Ăn đúng khẩu phần đã được xác lập.
Đi bộ ít nhất 45 phút mỗi ngày.
Uống thuốc đều đặn theo toa.
Kiểm tra đường huyết mỗi ngày.
Kiểm tra bàn chân mỗi ngày xem có vết thương, bóng nước, sưng, đỏ, đau.
Vệ sinh răng miệng thường xuyên.
Kiểm soát tốt huyết áp và lượng mỡ trong máu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét